Wednesday, October 20, 2010

Dùng sai cách, tủ lạnh thành... ổ bệnh

(Theo Gia đình.net )
Vi khuẩn từ đồ ăn chưa được làm sạch tươi sống lây nhiễm vào đồ ăn chín khác có trong tủ lạnh khiến người sử dụng bị rối loạn tiêu hoá, nhiễm độc.

Tủ lạnh không giết được vi khuẩn

"Nhiều chiếc tủ lạnh đã trở thành ổ chứa vi trùng do cách sử dụng thiếu khoa học" - TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo. Ông giải thích: “Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thực phẩm tốt. Nhờ có tủ lạnh, thức ăn được bảo quản lâu hơn nhưng tủ lạnh cũng chỉ là môi trường bảo quản thực phẩm tạm thời. Kể cả thực phẩm để ngăn đá cũng chỉ có thời gian nhất định, tuyệt đối không nên để lưu cữu”.

Cũng theo ông Tuấn, nhiều gia đình có thói quen để nguyên đĩa, bát đựng thức ăn thừa không đậy nắp cho vào tủ lạnh bảo quản cho bữa ăn tới sẽ làm tủ lạnh bị ô nhiễm. Do thức ăn không đậy kín, mùi đồ ăn và chất mặn bốc hơi được hút vào hệ thống dàn bay hơi, làm han gỉ quạt và dàn.

Vi khuẩn từ các đồ ăn chưa được làm sạch tươi sống sẽ lây nhiễm vào các đồ ăn chín khác có trong tủ lạnh. Điều này có thể khiến người sử dụng bị rối loạn tiêu hoá, nhiễm độc khi mang đồ ăn chín này ra ăn mà không đun nấu lại.

Bên cạnh đó, thói quen đi chợ mua trứng gà, vịt về vẫn còn bám dính vết bẩn từ chuồng nuôi; rau quả chứa vô số hóa chất từ lượng phân bón dư cho tới thuốc trừ sâu; thịt, cá chứa vi khuẩn gây nhiều loại dịch bệnh khác nhau... cứ thế xếp vào tủ, không cho vào từng túi nilon hay hộp chứa riêng sẽ khiến cho tủ lạnh thành ổ chứa vi trùng và dịch bệnh.

PGS.TS Võ Kim Long, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ và môi trường cũng khẳng định: “Trong tủ lạnh vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc tạm thời “ngủ yên”. Nhưng khi ra khỏi tủ lạnh gặp điều kiện nhiệt độ bình thường chúng sẽ tỉnh táo trở lại phát triển nhanh và mạnh ngay. Rất nhiều loại vi khuẩn chịu lạnh giỏi như vi khuẩn thương hàn, tụ cầu vàng dù có xuống - 6độ C chúng vẫn sống được từ 3 - 6 tháng.

Cách sử dụng tủ lạnh an toàn

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, sau khi mua rau, củ, quả về hãy để ở ngoài 2–3 tiếng đồng hồ sau đó mới cho vào tủ lạnh bảo quản. Như vậy vừa đảm bảo được độ tươi ngon vừa giữ được các chất dinh dưỡng có trong rau, củ, quả. Tuy nhiên, những thực phẩm này, chỉ nên để tủ lạnh tối đa là 3 ngày. Trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản phải đảm bảo khô, ráo nước. Nhiệt độ thích hợp cho rau, củ, quả là 13–15 độ C.

Ông Lê Anh Tuấn cho biết: Thực phẩm sau khi chế biến chỉ để được ở nhiệt độ thường tối đa là 3 tiếng tối thiểu là 2 tiếng phải sử dụng ngay. Vượt quá thời gian này, trong điều kiện môi trường nóng ẩm, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Trong môi trường tủ lạnh thức ăn đã chế biến để được tối đa từ 24 tiếng. Các đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn thì đã có hoá chất bảo quản, chất bảo quản đồ hộp khi ăn thì phải chế biến lại, còn ăn lần đầu thì có thể yên tâm sử dụng vì đó là những thực phẩm đã được đóng gói trong môi trường chân không, vô khuẩn.

Nhưng khi đã mở đồ hộp ra rồi ăn không hết lại bỏ tủ lạnh thì hôm sau ăn phải chế biến lại. Thời hạn để tủ lạnh an toàn cho đồ hộp sau khi đã mở nắp là 48 tiếng. Thời hạn để thực phẩm ở ngăn đông đá không được quá 1 tuần lễ.

Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn chứ không có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy những thức ăn đưa vào tủ lạnh phải là những thức ăn tươi, sạch, không bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn mới đảm bảo an toàn.

Cách sắp xếp thức ăn trong tủ lạnh
- Ngăn trên cùng của cửa tủ lạnh là nơi để trứng, bơ, mứt.
- Ngăn kế tiếp phía dưới là nơi thích hợp cho gia vị, cà phê đã được đựng trong hộp, túi ni lông thật kín.
- Tầng trên cùng ngăn mát là nơi thích hợp cho sữa chua, bánh ngọt.
- Hộc tủ dưới cùng là khu vực dành riêng cho rau củ. Các loại rau củ trước khi cho vào cần bao bọc bằng vải thưa thấm nước hoặc túi ni lông có đục lỗ li ti là tốt nhất.
- Phần lạnh nhất trong tủ không phải ngăn đông đá mà là chỗ mặt kính sát với ngăn rau củ nên chỗ này thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá.

0 comments:

Post a Comment