Monday, May 17, 2010

Hiểu đúng về Cholesterol

Khoảng 80% lượng cholesterol cơ thể cần do gan sản xuất, phần còn lại lấy từ thức ăn. Chúng ta không nên ăn quá 300mg cholesterol mỗi ngày. Nếu nạp cholesterol quá nhiều (ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng béo và cholesterol cao) có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khoẻ, bao gồm các dạng bệnh tim mạch khác nhau.
hieudungvecholesterol.jpg
Cholesterol có ích lợi gì?
Trái ngược với“tiếng xấu” về cholesterol được đăng tải trên các phương tiện thông tin gần đây, chúng ta thực sự cần nó. Nếu không có cholesterol, cơ thể sẽ không có các hoc-môn như: estrogen hoặc testos- terone (các hoc-môn sinh dục). Cholesterol giúp các tế bào có độ bền và duy trì hình dạng của chúng. Cholesterol góp phần tạo lớp bọc cho các sợi thần kinh, giúp hệ thống thần kinh tiếp nhận tín hiệu nhanh và hiệu quả hơn.

Cholesterol hoạt động thế nào?
Cholesterol từ gan sẽ được đưa đến các cơ quan khác qua đường máu. Nhưng vì cholesterol là hợp chất béo, không tan được trong môi trường háo nước của máu nên cần một chất protein để vận chuyển. Chất protein này gọi là apolipoprotein. Khi apolipoprotein và cholesterol “ráp” vào nhau sẽ được gọi là lipoprotein.

Lipoprotein có tỷ trọng cao (HDL) là loại nặng nhất và chịu trách nhiệm chính trong việc “chở” cholesterol từ các mô, các cơ quan của cơ thể về gan để tái tạo hoặc phân huỷ. HDL được coi là “cholesterol tốt”, giúp loại trừ lượng choleterol dư thừa ra khỏi máu nên nó có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Lipoprotein có tỷ trọng thấp (LDL) – còn gọi là “cholesterol xấu” nhẹ hơn HDL và chịu trách nhiệm chính trong việc “chở” cholesterol từ gan đến các mô, các cơ quan trong cơ thể. LDL ít bền nên dễ bị “rã”, làm cholesterol tách ra và lơ lửng trong máu, đôi khi dính vào thành mạch máu gây xơ cứng động mạch và gây đau tim.

Điều hòa mức cholesterol
Bạn nên duy trì mức cholesterol lý tưởng ở mức nhỏ hơn 200mg/dL và mức LDL nhỏ hơn 100mg/dL (nhỏ hơn 70mg/dL ở một số người có nguy cơ cao); mức HDL nên lớn hơn 40mg/dL. Để đạt được điều này bạn nên thực hành những thói quen sau:

Bỏ thuốc lá!
Nhiều người thường liên hệ hút thuốc lá với ung thư phổi, tuy nhiên, nghiện thuốc có thể liên quan chặt chẽ với bệnh tim. Hút thuốc làm tăng LDL, giảm HDL và tăng tích tụ tiểu cầu. Theo WHO, một năm sau khi bỏ hút thuốc bạn sẽ giảm được 50% nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Ăn uống lành mạnh
Duy trì một thực đơn lành mạnh rất quan trọng với sức khỏe của tim. Ví dụ: Thực đơn của bạn nên chứa nhiều loại hạt nguyên (như gạo không chà bóng), chất xơ, rau, quả, đồng thời giảm lượng chất béo bão hoà, chất béo dạng trans (tìm thấy trong nhiều loại bánh nướng và snack).

Tập thể dục
Tim của bạn là một khối cơ nên tập thể dục sẽ có lợi cho nó. Tập thể dục điều độ có thể làm tăng mức HDL, giảm LDL, giảm huyết áp, và ngăn ngừa tăng cân. Bạn nên tập khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 đến 6 ngày một tuần. Có thể bắt đầu đơn giản bằng việc đi thang bộ thay vì đi thang máy, lau nhà, giặt đồ bằng tay,…

Giảm cân
Khi bạn đang béo phì, nếu giảm 5-10% khối lượng cơ thể có thể giúp cải thiện mức cholesterol. Nếu dư cân, bạn không chỉ có nguy cơ tăng cholesterol, mà cả với bệnh tiểu đường tuýp II nữa. Hai điều kiện này là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch. Như vậy, giảm cân vừa giúp bạn kiểm soát mức cholesterol, vừa giữ cho tim luôn khoẻ.

0 comments:

Post a Comment