TP - Sau khi đăng loạt ba bài dịch trả lời phỏng vấn của nhà khoa học Ba Lan danh tiếng, GS Grazyna Cichosz, nhiều bạn đọc khắp nơi trong cả nước đã gửi phản hồi tới Tiền Phong.
Chia sẻ ban đầu của bạn đọc là do thiếu thông tin hoặc do cách nhìn nhận thiên lệch, đã dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc về việc sử dụng thực phẩm nói chung và chất béo (lipid) nói riêng.
Tuy nhiên, như lưu ý ngay từ số báo đầu tiên, việc cho đăng tải bài đăng trên báo Ba Lan không có nghĩa Tiền Phong hoàn toàn đồng tình với quan điểm của cá nhân nhà khoa học cho đến khi có sự thẩm định và ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Hơn nữa, như một bạn đọc tâm sự: “Thật bổ ích nếu, từ bài báo nói trên, Tiền Phong tổ chức thảo luận về đề tài ăn uống, dinh dưỡng nói chung và vấn đề chất béo (lipid) cùng việc sử dụng chúng cũng như mặt lợi, hại do chúng gây ra đối với sức khỏe, bệnh tật khi chúng ta sử dụng chúng nói riêng”.
Bởi lẽ đó, số báo này và các số báo tiếp theo, Tiền Phong sẽ mở diễn đàn tranh luận vấn đề nóng hổi này, ngoài mục đích đem đến cái nhìn nhiều chiều cho bạn đọc, còn có mục đích thúc giục các chuyên gia, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam sớm vào cuộc, nhằm có được thông tin mới nhất vì sức khỏe của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam.
1. Võ đoán:
Tôi rất tâm đắc khi đọc bài “Phát hiện quan trọng: Sự thật về dầu và bơ thực vật?” đăng liên tục trên Tiền Phong ba số vừa qua.
Tuy nhiên, sẽ là võ đoán khi khẳng định như GS Grazyna Cichosz “người ta nghĩ ra lý thuyết tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch chỉ nhằm mục đích loại bỏ mỡ động vật và đưa dầu thực vật và bơ thực vật rẻ hơn nhiều vào thực đơn”.
Các kết quả nghiên cứu khoa học và y học, cũng như thực tiễn đã chứng minh và khẳng định việc tăng cao hàm lượng cholesterol và triglycerides trong máu chỉ là một trong những nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, dẫn tới các bệnh tim mạch (cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ).
Ngoài ra còn các yếu tố như di truyền, hút thuốc lá, uống rượu, ít vận động, v.v.
Khoa học đã chứng minh và phân tích đầy đủ lợi ích cũng như tác hại của cholesterol như trình bày dưới đây chứ đâu có đổ oan như ta lầm tưởng.
2. Cần hiểu đúng về cholesterol:
Cholesterol là một chất mềm, giống chất béo, dạng sáp, có trong máu và trong tất cả các tế bào của cơ thể. Việc có cholesterol là bình thường.
Cholesterol là một phần quan trọng của cơ thể khỏe mạnh vì nó được sử dụng để tạo ra màng tế bào và một số hormone và phục vụ cho các chức năng cần thiết khác của cơ thể.
Nhưng có quá nhiều cholesterol trong máu là nguy cơ chính gây bệnh tim, mạch vành (dẫn tới nhồi máu cơ tim) và đột quỵ. Cao cholesterol là một thuật ngữ y học chỉ tình trạng mức cholesterol trong máu cao.
Cholesterol được tạo ra từ hai nguồn chính, từ cơ thể và từ thức ăn. Gan, các tế bào khác trong cơ thể tạo ra khoảng 75% cholesterol trong máu. Thức ăn chỉ tạo ra 25% còn lại.
Tôi đồng ý với ý kiến của nhà khoa học Ba Lan là vấn đề quảng cáo hiện nay về thực phẩm và thực phẩm chức năng rất loạn.
"Thú thực, tôi thương người tiêu dùng lắm. Ngay tại Việt Nam, chẳng hạn, có công ty đang quảng cáo trên tivi và cả internet nữa một loại dầu ăn (không nói rõ là dầu ăn trộn sa lát) mà hình như là dầu ăn để xào nấu. Thế mà hình ảnh đập vào mắt người xem là có Vitamin E, Omega-3, Omega-6. Ở nhiệt độ xào nấu, lại rán nữa, thì còn gì các vitamin cũng như các chất đó nữa."
DS. Tạ Ngọc Dũng - Tổng Thư ký Hội Dược liệu Việt Nam
- Về cholesterol LDL (có hại): khi có quá nhiều LDL cholesterol (có hại) trong máu, nó có thể tích tụ từ từ ở thành trong các động mạch nuôi tim và não.
Cùng với các chất khác, nó tạo thành mảng bám, là một lớp lắng đọng dày và cứng có thể gây hẹp lòng các động mạch và làm động mạch mất tính đàn hồi. Tình trạng bệnh lý này được gọi là xơ vữa động mạch.
Nếu một huyết khối tạo ra và làm tắc nghẽn động mạch vốn đã bị hẹp sẵn, có thể gây ra đau tim và đột quỵ.
- Về cholesterol HDL (có lợi): khoảng một phần tư cho đến một phần ba lượng cholesterol trong máu được vận chuyển bằng lipoprotein tỷ trọng cao (HDL). Cholesterol HDL được gọi là “cholesterol có lợi”, bởi vì nồng độ HDL cao dường như có tác dụng bảo vệ chống đau tim.
Nồng độ HDL thấp (dưới 40mg/dl) cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Các chuyên gia y tế cho rằng HDL có xu hướng vận chuyển cholesterol ra khỏi các động mạch trở về gan để thải loại ra khỏi cơ thể.
Nhiều chuyên gia tin rằng HDL loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi các mảng bám động mạch, làm chậm lại quá trình lắng đọng của nó.
3. Bơ thực vật, không nên ăn nhiều:
Bên cạnh đó, tôi xin chia sẻ quan điểm của nhà khoa học Ba Lan khi bà khuyến cáo không nên ăn nhiều bơ thực vật. Chỉ có điều, quan điểm này được biết đến từ lâu.
Bơ được tách ra và chế biến từ sữa động vật (chủ yếu là từ sữa bò) nên chứa nhiều acid béo bão hòa. Còn bơ thực vật (margarine) được chế biến từ dầu thực vật qua quá trình hydro hóa, để làm thành dạng cứng có thể đóng thành bánh như bơ.
Trong quá trình hydro hóa, phần lớn acid béo không no (chưa bão hòa) chuyển thành acid béo no (bão hòa) nên không còn tính tốt (có lợi cho sức khỏe) như khi còn là dầu thực vật.
Ngoài ra trong quá trình hydro hóa, một phần không ít các acid béo bị chuyển vị (dạng trans) là những chất không có lợi cho sức khỏe.
Bởi vậy, bơ thực vật không nên ăn nhiều, nó chỉ là nguyên liệu tiện lợi cho việc sản xuất thực phẩm như mỳ ăn liền, các loại bánh ngọt. Ở nhiều mức, người ta quy định chỉ bán các loại bơ thực vật (marganrine) trên nhãn mác có ghi “0” axit béo chuyển vị cho người tiêu dùng trực tiếp.
4. Đừng thái quá, cũng đừng bất cập:
Một nguyên tắc và kim chỉ nam cho việc bảo vệ sức khỏe là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì thế, các thầy thuốc đều khuyên nên hạn chế, sử dụng có chừng mực những thứ là nguyên nhân gây ra bệnh tật, chứ đâu chỉ có mỡ động vật hay bơ. Ngay cả những thứ bổ dưỡng cũng phải có chừng mực, “đừng thái quá và cũng đừng bất cập”.
Không ai lại khuyên tuyệt đối không ăn mỡ động vật hay bơ, ăn trứng gà, óc lợn, mà chỉ khuyên nên hạn chế nếu hàm lượng cholesterol và triglycerides máu cao hoặc có mắc các bệnh về tim mạch. Còn với người bình thường thì nên ăn vừa phải những thứ đó để đề phòng mà thôi.
Người phương Đông từ lâu hiểu lẽ “âm – dương” nên biết rằng mọi thứ đều có mặt lợi và mặt hại, làm sao khi dụng thì khai thác mặt lợi và tránh mặt hại để khỏi lợi bất cập hại. Cũng như ăn uống vừa là dĩ thực vi tiên nhưng cũng là bệnh tòng khẩu nhập.
FAO (Tổ chức Nông-Lương Quốc tế) và WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cũng khuyến cáo mỗi người hàng ngày phải ăn tối thiểu 15% năng lượng là chất béo.
Trong đó, chất lượng lipid trong thức ăn cần phải có 10% năng lượng do acid béo no (bão hòa) và 10% do acid béo không no (chưa bão hòa) cung cấp và nấu nướng khoa học, hợp lý.
5. Ý kiến trái ngược là bình thường:
Về bài dịch bài phỏng vấn, thừa nhận nghiên cứu và ý kiến của Giáo sư Grazyna Chichosz đi ngược với những gì mà phần lớn mọi người vẫn nghĩ.
Việc có ý trái ngược là chuyện bình thường. Chúng ta cũng chấp nhận rằng GS Grazyna Cichosz có ý kiến như vậy là dựa trên cơ sở khoa học đáng tin mà bà đã thu được qua nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, với nhóm độc giả là các chuyên gia, họ sẽ đào sâu hơn, đòi hỏi số liệu gốc của các nghiên cứu. Nhưng đây là bài trả lời phỏng vấn trên một tờ báo đại chúng, điều này có lẽ không cần thiết.
Song nếu có thể, nếu sưu tầm được các tài liệu gốc của nghiên cứu, tôi cho rằng, Tiền Phong vẫn nên tiếp tục giới thiệu và trích đăng để đem thông tin hữu dụng đến quảng đại người tiêu dùng.
Theo tôi, có một số điểm cần chú ý khi đọc các bài báo khoa học trên các tạp chí, báo chí.
Một là, có những tạp chí/báo chí nghiêm chỉnh, kể cả các báo chí chuyên ngành, chỉ đăng lại sau khi đã sao tẩm, rút gọn, nhằm phổ biến kiến thức hoặc vì mục đích nào đấy của họ.
Hai là, trong các tạp chí khoa học chuyên ngành, các bài đăng đều phải tuân thủ nghiêm các quy định (cách viết, từ viết tắt, cách trình bày, cách trích dẫn, cách nêu tài liệu tham khảo) của tạp chí. Bài viết được phản biện bởi 3-5 chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực có liên quan đến bài báo.
Ba là, ở bất kỳ đâu, các tác giả (là các nhà khoa học đăng bài báo nhằm công bố phát hiện của mình) đều có xu hướng nhấn mạnh, bảo vệ tầm quan trọng của phát hiện của mình. Đây là điều bình thường. Thậm chí, có người còn hơi quá khích hoặc cực đoan /thậm xưng. Tuy nhiên, ở các tạp chí đó đều có mục “ý kiến bạn đọc” để độc giả góp ý, tranh cãi, hỏi lại tác giả.
6. “Vì tiền, tiền và tiền”, không phải không có lý:
Ý kiến “Vì tiền, tiền và tiền” không phải là không có lý. Điều này không chỉ có đối với thực phẩm chức năng, với dầu/bơ thực vật mà ngay cả với thuốc chữa bệnh.
Ví dụ, vừa qua có ồn ào vụ nghi vấn các chuyên gia về cúm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ăn tiền của các hãng sản xuất vaccine để nhấn mạnh quá mức về nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1.
Lời khuyên của bà GS Ba Lan là hợp lý: “Hãy duy trì nếp sống lành mạnh, trước hết không tin lời quảng cáo”.
Chỉ nói riêng việc quảng cáo các thực phẩm chức năng/chất bổ sung dinh dưỡng thôi, hiện nay cũng đã tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có những quảng cáo tôn vinh làm như các thứ này có tác dụng chữa đủ mọi bệnh. Phần cần nói, “đây là thực phẩm chức năng, không phải thuốc, không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ cho điều trị” thì chưa được nhấn mạnh tương xứng.
Đã có những quy định về quảng cáo các loại thực phẩm chức năng nhưng vẫn có hiện tượng lách luật. Các hiệp hội, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng đã ra nhiều khuyến cáo, đề nghị siết chặt việc quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng hiệu quả còn khiêm tốn.
TS.BS. Trịnh Hùng Cường
0 comments:
Post a Comment