Sunday, January 9, 2011

Cẩm nang nội trợ tháo vát và có tâm hồn (1)

CHƯƠNG 1 THỜI GIAN LÀ VÀNG NGỌC

1-1 Dùng thời gian cũng là tiêu tốn cuộc đời
Có người than “Bận quá! Không kịp thời gian”. Vì “Suốt từ sáng chí tối làm việc nhà, chăm con cái, ngẩng mặt lên thì đã hết ngày từ lúc nào. Ngày này qua ngày khác tiếp diễn như thế”. Đúng là khi con cái còn nhỏ, việc nhà nhiều vô kể. Nhưng đó lại chính là thời gian trí cho trí tuệ và sự công phu, làm sao để xoay ra được thời gian cho riêng mình vào cái lúc đó.
Chúng ta sống một cuộc đời có hạn. Và thời gian chúng ta có được, cũng là có hạn. Tôi học được từ bà giáo XYZ của “hội bạn bè- Tomonokai” rằng “Thời gian cũng như sinh mệnh”. Dùng thời gian quí giá đó sao cho có hiệu quả bây giờ? Trong chương này, tôi sẽ nói về cách dùng thời gian.

1-1-1 Lên kế hoạch được, sẽ sản sinh ra thời gian và sự thư thái tâm hồn
Để dùng thời gian một cách khôn ngoan, là chúng ta phải viết ra giấy những việc cần phải làm. Trước khi đi ngủ, ta ghi sẵn ra những việc sẽ phải làm hôm sau, thì hôm sau, ngay từ sáng chugns ta đã có thể làm việc một cách hiệu quả. Chứ không, trong đầu thì nghĩ “phải làm cái này, phải làm cái kia...” nhưng tay lại vướng vào việc khác, thế là quên mất tiêu, lúc sau mới sực nhớ ra thì đã “không làm kịp rồi”. Bạn có chắc là chưa bao giờ bị như vậy chứ? Kế hoạch không chỉ cho một ngày, bạn cứ lên kế hoạch cho cả 1 tuần sau đó, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, sẽ không bị cuống quít hấp tấp đâu! Mở rộng hơn, tôi có kế hoạch cho cả một năm. Dùng cuốn sổ, quyển lịch có lịch 1 năm, đầu năm ghi nhớ những việc lớn trong năm sẽ làm, như là “mừng lễ con gái 7 tuổi”, “hè về quê mẹ” chẳng hạn. Ta không để gần tới thời gian mới bấn lên, mà đặt hẹn trước hiệu ảnh, chuẩn bị trang phục lễ, đặt mua vé máy bay... từ trước đó, việc chuẩn bị sẽ thư thả hơn.

1-1-2 Mẹo có việc nội trợ vui vẻ không bị cuốn vào việc chăm con quá:
Có khi, một cô gái nuôi con nhỏ hỏi tôi “ Ngày nào cũng bị việc nhà dồn ứ lên, cháu đang stress quá, phải làm thế nào bây giờ?”. Con của cô ấy học mẫu giáo, ngủ đến sát giờ đi học mới dậy, cô cho con ăn sáng ngay, thay quần áo cho con rồi chở đến trường. Đưa con đến trường xong, trở về nhà là lao vao dọn dẹp, giặt giũ, đi chợ, nhưng có khi chưa kịp xong việc, thì đã đến giờ đón con, thường lại đến nhà bạn của con chơi, con thì còn nhỏ, nên mẹ phải ở lại chơi cùng, lúc từ nhà bạn về thì cũng đến giờ chuẩn bị cơm tối. Rồi nấu cơm, cho con tắm, đi ngủ... cứ như vậy, không còn chút thời gian nào cho riêng mình. Nhà cửa thì bừa bộn lộn xộn. Stress.
Chỉ nghe qua như vậy là thấy, nhịp sinh hoạt như vậy là không ổn rồi. Cần phải có một sự khéo léo nào đấy! Phải khéo léo thay đổi để không bị cuốn vào con quá, phải thay đổi nhịp sinh hoạt của con mới được! Càng là khi bận rộn nuôi dạy con, càng nảy sinh sự khéo léo. Chỉ cần 1 điểm cũng được, hãy bắt đầu cải tổ đi thôi!

1-1-3 Làm việc trước một bước

Ví dụ như, khi nấu cơm tối, thái luôn hành để cho vào canh của bữa sáng hôm sau, rồi cất tủ lạnh sẵn. Sáng hôm sau sẽ giảm được 1 việc, dôi ra 1 tí thời gian. Tương tự như vậy, chuẩn bị đồ dùng để con đi mẫu giáo ngày hôm sau từ tối hôm trước, sáng hôm sau thời gian cho con ăn cơm cũng kéo dài ra được một chút, đủ thời gian để dọn dẹp sau khi ăn sáng.
Việc giặt giũ hay làm buổi sáng thì chuyển sang giặt từ tối hôm trước đi, chỉ mất một công 5,6 phút, sáng hôm sau dậy chỉ việc phơi thôi, dôi ra tới 10, 15 phút.
Làm trước 1 việc như vậy, sẽ dôi thêm thời gian ra. Lên kế hoạch trước sẽ thấy công việc tiến triển suôn sẻ, vui, thú vị, có thể nói việc nhà thực sự là công việc thú vị.

1-1-4 Bếp là cái kho báu cho các ý tưởng làm trước 1 việc
Cụ thể tôi sẽ nói trong chương sau này, ở đây chỉ nêu một ví dụ đơn giản. Là việc làm sẵn nước sốt ăn rau sống. Thường thì chị em có xu hướng mua sẵn siêu thị cho nhanh, nhưng nói thực là mua sẵn thì đắt và các bình lọ đựng chúng thành rác rất nhanh. Tôi thì thích làm lấy hơn. Đó là tôi cho sẵn nguyên liệu làm sốt vào bình nhất định, khi ăn chỉ việc cho dầu oliu vào xóc đều lên, thế là xong. Tôi gọi sốt này là “doretomo” tức là đa di năng.
Cách làm. Dấm 2 cốc (mỗi cốc 200ml), muối 4 thìa con (mỗi thìa 2,5ml), đường 1 thìa con, hạt tiêu. Cho hết vào một cái bình thủy tinh. Đây là gia vị làm sốt. Viết đánh dấu sẵn chia lượng ngoài bình. Mỗi khi cần dùng, rót từ bình này sang 1 bình khác, lượng bằng đúng vạch đã chia, cho 1 lượng dầu gấp đôi thế vào, xóc lên, thế là xong, rưới lên rau sống, ăn liền.

1-1-5 Dọn 1 phút tối hôm trước để sáng hôm sau đỡ bận rộn
Trước khi đi ngủ, dọn dẹp bếp núc xong, dọn dẹp phòng khách xong, đóng cửa, kiểm tra van an toàn bếp gas, xếp lại giầy dép ở cửa ra vào cho ngay ngắn, rồi mới ngủ.
Những việc này, thay vì làm một mình, hãy cùng làm với mọi thành viên khác trong gia đình. Xếp trả đồ đã lấy ra dùng về chỗ cũ. Nhưng việc nhỏ nhặt này thôi, nhưng sáng hôm sau sẽ giúp mình rất nhiều đấy! Sáng ngày ra, nhìn cái bếp, phòng khách, cửa ra vào ngăn nắp gọn gàng cũng dễ chịu, có một sự khởi đầu ngày mới vui vẻ hơn. Đây cũng là một công việc làm trước đáng được nêu tên có phải không?

1-2 Thay đổi thời gian biểu cho việc nhà
1-2-1 Khéo léo để có buổi tối thư thả
Đây cũng là một phương pháp thay đổi trình tự làm việc nhà.
Khi con tôi còn nhỏ, cứ chiều đến tôi mới dắt con đi chợ. Không có nhiều thời gian, nên lúc nào đi mua cũng vội vội vàng vàng. Một hôm, đi chợ đúng ở một cái chợ vừa đông đúc, vừa ngột ngạt, mẹ con tôi mãi mới về được nhà. Sau đó tôi đã thấy, đi chợ vào thời gian đó không tốt cho cả mẹ cả con. Đi chợ về rồi hấp tấp nấu nướng thật không hề dễ chịu, cũng không thể nấu được món gì cho ngon lành, chắc chắn thế. Lúc đó tôi đã thay đổi cách làm.
Tôi đi chợ thong thả vào buổi sáng. Hơn nữa, cuối tuần đi mua gộp những thứ thiếu, mua thêm thứ cần, như vậy ngày thường tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Bắt đầu từ thời gian này, tôi thực hiện “mua gộp” “nấu một thể”, và thời gian biểu cũng vì thế thay đổi theo. Cụ thể phương pháp này, tôi sẽ trình bày sau, nhưng ở đây muốn nhấn mạnh rằng, chuẩn bị nấu nướng đến một mức độ nhất định nào đó khi còn sớm, đến lúc các con về nhà mình sẽ có thời gian sống với các con, tôi rất sung sướng vì điều này. Tùy mỗi nhà có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đối với tôi, thời gian buổi chiều tối là đáng quí và cần được thư thả, tôi muốn lúc đó, ngồi ở bàn ăn, mẹ con nói chuyện với nhau, gấp giấy, làm bài tập. Nhân tiện đó, thức ăn cũng chỉ đun nóng, hoặc nêm gia vị là xong, đó là thời gian nuôi con không bao giờ trở lại với tôi.

1-2-2 Dọn buồng vệ sinh trước khi vào tắm
Nếu thay đổi thứ tự của việc dọn toilet, cũng giải quyết vấn đề được cách hợp lý. Trước đây, tôi dọn toilet đầu tiên trong ngày. Nhưng có một hôm, tôi quyết định làm việc này vào lúc khác. Đó là trước khi đi tắm. Dọn toilet xong, rồi đi tắm, thì cả toilet, cả tôi đều sạch sẽ. Tôi rất mãn nguyện với trình tự công việc này.

1-2-3 Thay vì để việc nhà đuổi theo mình mà mình hãy đuổi theo việc nhà
Cứ làm trước 1 bước những việc trước mắt phải làm, sẽ dôi một chút thời gian ra. Ví dụ rơi vào cái vòng luẩn quẩn bị biệc nhà đuổi thì sẽ thế này.
1- Sáng dậy, bữa sáng chưa chuẩn bị gì ---> vội vội vàng vàng
2- Chưa chuẩn bị gì để ra ngoài có việc ----> hay muộn giờ hẹn
3- Về đến nhà mà bữa tối chưa chuẩn bị gì ----> cuống cuồng nấu nướng, bữa ăn tạm bợ, dễ mất cân bằng dinh dưỡng
4- Đi ngủ luôn không chuẩn bị gì cho ngày mai ----> sáng hôm sau ngủ dậy, lại quay lại 1 - 2- 3- 4- 1 mãi thế
Còn ví dụ một vòng tuần hoàn suôn sẻ thì thế này
1- Bữa sáng đã có ý định làm gì nấu gì rồi ---> ăn uống từ tốn, ngon miệng được
2- Chuẩn bị đi ra ngoài rồi ----> tâm hồn thoải mái
3- Bữa tối đã sẵn sàng nguyên liệu, ý tưởng món rồi ----> sẽ nấu được bữa cơm ngon, đủ dinh dưỡng
4- chuẩn bị cho sáng mai rồi mới đi ngủ ---> sáng mai dậy sẽ là 1 vòng suôn sẻ lặp lại

1-3 Quyết định giờ phải xong, sẽ tập trung làm việc được
1-3-1 Người nào làm giỏi thì biết nghỉ giỏi
Không hẳn chỉ có việc nhà đâu, việc gì cũng vậy, làm uể oải thì chỉ phí thời gian vô ích. Phân chia thời gian rõ ràng, làm việc sẽ tập trung hơn, sau đó nghỉ ngơi cũng thấy thư thả hơn.
Khi lau chùi dọn dẹp nhà cửa, ấn định giờ phải làm xong “Đến abc giờ mình phải làm xong mới được”. Trong khi làm một công việc, mà nghĩ sẵn trong đầu “Việc tiếp theo là cái gì nhỉ?” thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn là xong việc.

1-3-2 Việc buổi sáng mấy giờ là xong?
Việc buổi sáng là phần việc quan trọng nhất trong ngày. Làm vệ sinh thay quần áo, chuẩn bị bữa sáng, làm cơm hộp, dọn dẹp bát đĩa. Lau chùi, giặt giũ theo thời gian nào cũng tùy nhà có khác nhau. Ở nhà tôi hiện nay thì, lau chùi và giặt giũ tôi làm buổi chiều tối, nhưng cũng nhiều nhà làm việc lau chùi giặt giũ vào thời gian này.
Cái quan trọng ở đây là, phải quyết định giờ xong việc. Vừa xem TV vừa làm, lúc ngẩng lên nhìn đồng hồ đã gần trưa mất rồi, rất phí thời gian. Bạn hãy quyết định “mấy giờ là mình phải làm xong việc” mới tập trung làm việc được. Những chị em nào đi làm công sở, có khi lại dễ dàng với việc này hơn, vì thời gian đến sở làm là cố định rồi, không muộn được.
Quyết định thời gian xong việc rồi, nấu cơm, làm cơm hộp, giặt giũ, phơi phóng... chỉ những việc bắt buộc phải làm như vậy thôi, bạn sẽ biết cần phải làm từ mấy giờ sáng thì kịp.
Trường hợp nhà tôi thì tôi quyết định 8h30 sáng phải làm xong hết các việc buổi sáng.

1-3-3 Chuông hẹn giờ kêu là phải dừng tay
Khi làm việc nhà, tôi thường đặt chuông hẹn giờ. Cái đồng hồ hẹn giờ yêu quí của tôi chỉ là cái đồng hồ hẹn giờ hay dùng trong bếp thôi. Tôi để ở ngăn kéo trên, chỗ dễ lấy ra nhất, và qui định chỉ để ở đấy.
Tôi tập trung làm việc nghiêm túc cho tới khi chuông đồng hồ reo. Chuông đã reo thì tôi không làm rốn thêm nữa, dừng ngay lại, chuyển sang công việc yêu thích của tôi. Làm công sở còn có người giám sát, chứ còn làm việc nhà như tôi thì cái đồng hồ hẹn giờ là Giám Đốc của tôi. Vì có lúc mải làm việc, bạn quên cả thời gian mà. Khi đó, có chuông báo hết giờ cũng có chức năng giám sát làm việc nhà.

1-3-4 Đặt đồng hồ hẹn giờ 10 phút trước khi ra khỏi nhà
Cần công phu sắp đặt để trước lúc ra khỏi nhà không bấn loạn lên. Trước khi ra khỏi nhà, tôi chuẩn bị sẵn đồ đạc cần đem theo, cùng với túi ví để sẵn ở ngoài cửa cởi giầy. Và đặt đồng hồ hẹn giờ 10 phút trước giờ xuất phát. Chuẩn bị đâu vào đấy rồi, sẽ thấy thoải mái thời gian, có thể dọn dẹp thêm 1 chút, lau chùi thêm vài thứ, viết một bức bưu thiếp, chẳng hạn. Phó mặc nhiệm vụ báo giờ cho đồng hồ hẹn giờ rồi, tôi không phải mất nhiều công ngẩng lên ngẩng xuống xem đồng hồ, mà có thể tập trung cao độ vào công việc. Chuông đồng hồ reo một cái là tôi có thể đứng lên, nhìn lại bếp xem tắt hết lửa chưa 1 lần nữa, là ra khỏi nhà được.
Luôn chú ý để có thể đến sớm hơn giờ hẹn 5 phút. Có người rất hay đến muộn 5 phút, 10 phút, những người đó, tới gần nơi hẹn, sẽ phải chạy vội chạy vàng, rất mất tư thế. Bạn hãy chú ý tới trước giờ hẹn 5 phút, để có để cuộc hẹn hôm đó diễn ra tốt đẹp hơn.

1-3-5 Ấn định giờ xong việc, sẽ thấy suôn sẻ.
Sự sảng khoái khi ấn định giờ xong việc còn phát huy trong trường hợp meeting công việc, đến buổi tụ tập hội cùng sở thích. Ví dụ như những buổi họp tổ dân phố, họp phụ huynh, tụ tập bàn bạc... cho đến buổi thuyết trình, hội họp lớn... vào lúc bắt đầu những cuộc họp đó, bao giờ người chủ trì cũng giới thiệu nội dung chính và thời gian bắt đầu cuộc họp, hiếm khi người ta nói đến giờ kết thúc buổi họp. Có những cuộc họp vì nội dung đưa ra chưa thảo luận hết, nên kéo dài một cách tùy tiện không có kế hoạch. Vì vậy, trước mỗi buổi họp, người dẫn chương trình nên nói “ Hôm nay, nội dung làm việc là abc thế này, khoảng x giờ là kết thúc, mong mọi người cùng hợp tác”, chẳng hạn thế, thì thành viên tham dự họp cũng chuẩn bị tinh thần được “vậy mình xúc tiến việc này việc kia đi thôi”, từng thành viên đó đều có những kế hoạch riêng khác của mình, tinh thần dễ đàn hồi hơn. Có trường hợp bất đắc dĩ, vào đúng giờ đó, cuộc họp không kết thúc được. Cũng vẫn nên nói ước lượng thời gian có thể kết thúc, để tăng cường tính tập trung khi làm việc.
Trong một buổi dạy nấu ăn. Nấu nướng và ăn thử xong xuôi, đến thời gian dọn dẹp. Tôi thử nói “Nào! Chúng ta hãy dọn dẹp sạch sẽ trong vòng 15 phút”. Mọi người phân công nhau dọn dẹp, một lượng lớn đồ nồi niêu bát đũa phải rửa, ấy vậy mà chỉ 12 phút đã xong xuôi đâu vào đấy.
Vào lúc dọn dẹp sau khi nấu nướng ăn uống xong, mọi người thường có tâm lý xong việc chính rồi, thở phào một cái, và vừa nói chuyện với nhau vừa dọn dẹp. Nhưng nếu đưa ra thời gian chỉ làm trong vòng bấy nhiêu thôi, thì xong việc, nói chuyện cũng thoải mái hơn.
Điều đáng mừng là, có một thành viên trong buổi hôm đó đã truyền đạt lại với người bạn vắng mặt rằng “ Hôm nay là một buổi rất đáng học đấy!”. Ấn định rõ ràng thời khắc kết thúc công việc sẽ tạo được cảm giác sảng khoái, thỏa mãn. 

1-3-6 Chia thời gian làm 3 khoản Việc công- Việc nhà- Việc riêng
Tôi chia thời gian thành 3 khoản như vậy.
Thứ nhất, việc nhà, là công việc của người vợ, người nội trợ ở nhà.
Thứ hai, gọi là việc công, thì tôi đóng góp công sức cho “hội bạn bè”, đi diễn thuyết, tức là những công việc mang tính chất việc công. Tôi chưa bao giờ đi làm, nhưng đối với tôi, hoạt động là một công việc quan trọng. (Thử điểm danh, việc công tôi có 2 ngày/ tuần cơ đấy, hehe, vậy là tôi cũng có 3 khoản như ai, hehe)
Thứ ba, là “thời gian riêng tư”, tôi đọc sách, may vá, đi du lịch, thăm triển lãm tranh.
Ai cũng có thể chia thời gian thành 3 khoản như vậy. (Những người đi làm thì phần thứ hai, việc công, thì đó chính là thời gian đi làm). 3 khoản thời gian này, không khoản nào phải nhường nhịn khoản nào hết, và có kế hoạch cụ thể. Có khi, việc công cần nhiều thời gian, thì thời gian cho việc riêng sẽ bị ngắn đi, nhưng thật khéo léo thu xếp để khoản nào cũng vẫn có phần của khoản đó.

1-3-7 Khuyên bạn làm việc kép
Tôi có nhiều việc làm kép của những đôi việc khác nhau cùng một lúc. Tôi gọi là “việc kép”. Ví dụ như, trong lúc máy giặt đang chạy, thì tôi lau chùi, hoặc vừa nghe nhạc vừa là quần áo. Kiểu như vậy, chắc ai cũng đã từng làm phải không?
Với việc lau chùi ở bếp, ngoài lúc lau rửa máy hút mùi ra, tôi đều lau chùi trong lúc đun cái gì đó trên bếp. Hoặc là khi ủ bột làm bánh mì thì tôi đi lau cửa kính.
Bí quyết làm việc kép là
Ghép một việc phải mó tay vào, với một việc không cần phải mó tay vào. Bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, cũng thấy ngay tính hiệu quả của việc ghép này. Và thêm một điểm nữa, đồng thời với lúc tiến hành 2 việc ghép nhau đó, trong đầu nghĩ xem tiếp theo sẽ làm gì, thì công việc diễn ra trôi chảy hơn.

1-3-8 Việc thì làm cho nhanh xong, để còn có thời gian
Vậy làm thế nào cho nhanh? Ví dụ ở nhà tôi, ăn cơm xong, đem bát đũa từ bàn ăn cho vào chậu rửa, rửa xong xuôi hết 12 phút. Bàn ăn nhà tôi để trong bếp, cũng gần bồn rửa, nên chỉ mất bằng đấy thời gian là được. Nhưng nếu lúc đó, chịu khó hơn chút, lấy cái khay to, chất hết bát đũa bẩn từ trên bàn lên, đem ra chậu rửa một thể, thời gian còn tiết kiệm được hơn nữa.
Thời gian để tôi lau chùi tủ lạnh khoảng 12 phút. Đó là thời gian tháo các ngăn trong tủ ra rửa, giấy lót ngăn tủ thì thôi đã cắt sẵn giấy một mặt cho đúng kích thước từ trước rồi, chỉ việc rút ra thay tờ mới vào thôi, nên chỉ khoảng 10 phút là tôi lau chùi tủ lạnh xong. Giấy một mặt thỉnh thoảng cắt một loạt cùng kích cỡ, cuốn lại, lấy chun vòng cột lại, để sẵn đó, cũng là phương pháp để việc lau dọn được nhanh hơn.

1-3-9 Những việc không cần nhiều thời gian
Thư trả lời, hay bưu thiếp cảm ơn là những việc không mất nhiều thời gian, nên tranh thủ viết và gửi ngay. Thường nghĩ “rồi sẽ làm” thì hay quên mất, nhưng thế nào cũng phải gửi, nên sẽ có lúc cất công đi chỉ gửi một cái thư, rất phí thời gian. (đúng phóc)
Bưu thiếp, giấy viết thư, phong bì là những thứ thường dùng. Trong túi xách của tôi bao giờ cũng sẵn có bưu thiếp và tem. Những bức cần gửi gấp, tôi viết sẵn tên người nhận, tranh thủ lúc phải chờ đợi ở đâu đấy, rồi tiện có thùng thư là bỏ luôn.
Với bằng này thời gian thì có thể làm được việc gì, nếu bạn cũng hiểu rõ khoảng thời gian cần đủ đó, bạn sẽ biết tranh thủ thời gian hợp lý, như vậy bạn có cảm giác là mình được việc. Tôi là như vậy.
3 phút làm được gì?
Giặt áo len, rửa bát, thái khoanh 5 quả dưa chuột, quét cửa để giày, lau bát, lau sàn hành lang, rửa bồn rửa mặt
5 phút làm được gì?
Cho quần áo vào máy giặt- bấm nút giặt; bỏ quần áo đã giặt từ trong máy ra; phơi quần áo; làm sốt dầu dấm với hành tây; xào đậu phụ; lau tường quanh máy hút mùi; lau hộc dưới bồn rửa bát
10 phút làm được gì?
Dọn dẹp các ngăn tủ; gập cất quần áo; rán trứng cuộn kiểu ngọt ngọt; nấu xong canh tương; lau chùi tủ lạnh; tưới nước cho cây cảnh; lau đồ đạc
Tranh thủ từng tí thời gian để làm việc, có thể bạn nghĩ là mình bận rộn lên. (đúng rứa, từ sáng tới giờ rửa bát không biết bao nhiêu lần, lắt nha lắt nhắt, vì thực hiện đúng qui tắc rửa nồi khi còn nóng, và ăn xong là rửa sạch sẽ úp lên luôn 26/10/2010, đang nghĩ tốn nước rửa bát, tốn nước xả hơn là rửa gộp, nhưng đúng là gộp lại rửa thì mất hẳn 1 công, rồi rửa xong 1 đống chờ nó khô, cất hết chỗ khô cũng oải, thế là toàn dồn đống lên mãi, cái bàn bếp cứ bừa bộn hơn là rửa lắt nhắt, oài oài, đằng nào cũng kêu được. nhưng mà làm theo sách, cũng thấy vui vui, cứ thế đã, liệu sau)
Nhưng phương pháp này không phải với mục đích làm nhiều việc cùng một lúc. Mà chỉ áp dụng vào thời gian đã qui định trước cho thêm hiệu quả, để đạt được mục đích sinh ra thời gian thư thả, thời gian phục vụ sở thích của riêng mình.

1-3-10 Cách tạo hứng bắt đầu làm việc
Có những khi mệt mỏi vì công việc chồng chất, vì công việc bắt buộc phải làm, thì có cảm giác ngại không muốn làm (oải) (おつくう 億劫). Biết trước những lúc như vậy, tạo ra một cú huých trước 1 bước, bằng cách làm việc gì nhỏ nhặt cho vui, sẽ thấy vui để bắt đầu vào việc.
Ví dụ như, sáng ra tôi sẽ dọn cửa để giày, nhưng tối hôm trước, tôi cuốn thảm chùi chân để ở cửa cởi giày lên trước. Sáng hôm sau, tôi còn “Ngại thế! lại phải lau dọn chỗ này” thì đã thấy thảm cuốn lên sẵn rồi, cứ như là nó rủ tôi, nó giục tôi phải làm việc, và tôi làm như bị mê hoặc vậy.
Hoặc là, tôi thích cắt may âu phục, để lúc đi có việc về nhà là tôi có thể vào việc được ngay, thì tối hôm trước, lúc nghỉ ngơi, tôi trải vải ra cắt sẵn để đấy. Ngày hôm sau, nhìn thấy vải đã cắt, rất tự nhiên, tôi bắt tay vào việc, như thể nguyên liệu đang chờ tôi hoàn thiện vậy.
Khi tôi kể chuyện này với bạn tôi, bà ấy cũng thực hành ngay theo cách đó.
Khi thấy ngại gom rác trong nhà ---> tối ngày hôm trước của ngày vứt qui định, cho giấy vụn vào túi đựng rác trước. Sáng hôm sau, chỉ việc cho rác thực phẩm vào túi, buộc lại, là đem đi vứt được.
Sau khi đi có việc về, hay ngại lau cửa sổ kính ---> để sẵn giẻ và xà phòng ra.
Các bạn chịu khó tìm ra những việc nhỏ nhỏ để làm nguồn cảm hứng làm việc tiếp theo nhé!

(Nguồn: webtretho - bản dịch của balasat)

0 comments:

Post a Comment