Sunday, January 9, 2011

Cẩm nang nội trợ tháo vát và có tâm hồn (5)

CHƯƠNG 5 - Ý TƯỞNG SẮP XẾP CẤT ĐỒ NGĂN NẮP

5-1 Sắp xếp đồ đạc là sắp xếp tâm hồn
5-1-1 Những đồ vật muốn dùng cẩn thận và nâng niu 慈しむ いつくしむ
Khi suy nghĩ để sắp xếp đồ đạc trong nhà, thì việc quan trọng phải là nghĩ xem dùng đồ đạc như thế nào cho khéo. Thời buổi hiện nay dư ăn dư mặc, cửa hàng ăn, cửa hàng quần áo nhan nhản khắp nơi. Nhưng nói đã sử dụng đồ ăn/ đồ mặc hữu ích chưa, thì chưa biết thế nào.
Cần thì mua, thích cũng mua, cứ mua- mua- mua như vậy, sẽ không khéo léo sử dụng hết công suất đồ vật đã mua đó. Tôi nghĩ phải có cách nghĩ nâng niu, quí trọng đồ vật mới được. Trước tiên, bạn hãy giảm số lượng của những đồ vật xung quanh mình. Giảm só lượng đồ đạc đó sẽ có các điểm lợi như sau
a- Quí trọng đồ vật hơn. Nếu có nhiều món đồ giống nhau, thường ỷ lại cái sẵn có đang dự trữ, sẽ không chăm sóc giữ gìn đồ vật đang dùng nữa. Ví dụ như đồ bếp, có nhiều nồi niêu sẽ hay lúng túng lúc chọn, hoặc dùng tùy tiện. Nếu chỉ có một số nồi niêu nhất định, dùng tuần tự, hết công suất, lau chùi cẩn thận, cất dọn dễ mà gọn gàng.
b- Đồ vật cũng có cuộc đời của nó. Tôi sẽ giới thiệu sau, ở đây chỉ nêu ví dụ, tôi chỉ có 3 cái quần jean. Một cái đang mặc, 1 cái đang phơi, 1 cái đang cất trong tủ. Tôi có cảm giác dùng cẩn thận. Quần áo cũng cùng cử động với cơ thể của tôi, có thể nói, tôi cảm nhận được cuộc đời của quần áo cũng ko phải là nói quá. Nếu có 1 phạm vi quản lý chặt chẽ đồ vật của mình, mỗi cái sẽ trở nên quan trọng hơn.

5-1-2 Tấm lòng nâng niu dụng cụ trong môn Trà Đạo Cảm giác nâng niu đồ vật như với những dụng cụ của môn trà đạo. Tôi theo trà đạo đã nhiều năm. 1 số ít đồ dùng mà dùng thận trọng, đấy là điều tôi đã học được từ bấy lâu nay. Ví dụ, khi đặt cái chổi đánh bột trà xuống một cách gượng nhẹ, là biểu thị lòng yêu mến đối với dụng cụ đó, đồng thời thể hiện sự tôn kính của người pha trà tới khách trà của mình. Có thể nói, mình dùng đồ vật là tiêu tốn cuộc đời của nó.

5-2 Cất và sắp xếp đồ vật thường dùng trong sinh hoạt
5-2-1 Qui định nơi để đồ Một trong những lý do để nhà cửa bừa bãi là do không qui định chỗ để đồ đạc. Nếu cái gì cũng để đúng chỗ của nó, thì sau khi dùng xong trả lại vị trí cũ cũng dễ dàng và dễ chịu. Đồ đạc hay ngổn ngang là bởi vì, hoặc là ko qui định chỗ để cho nó, hoặc là nó có chỗ cất mà lại để nó cùng với một đồ vật khác chưa có cỗ cất.

5-2-2 Lúc “bừa một tí” là cơ hội Xong một việc này, có nghĩa là bắt đầu chuẩn bị cho một việc kế tiếp. Để các phòng buồng không ngổn ngang bừa bãi, phải luôn tâm niệm, làm xong việc này là cất dọn mọi thứ về vị trí cũ, rồi mới bắt đầu việc khác. Tôi gọi đó là “1 làm 1 dọn” (Nôm na dễ hiểu kiểu Việt nhé, là làm đâu sạch đấy) Dùng xong dụng cụ bếp nào là cất ngay nó về vị trí cũ, thì bếp núc luôn gọn gàng. Cũng có khi không thể dọn ngay tại trận được, nhưng hãy cố gắng trong lúc chỉ “bừa một tí” là dọn ngay cho gọn. Chỉ cần sót lại một việc nhỏ chưa xong, sẽ cần phải mất thời gian dọn dẹp một việc lớn. Tìm đồ đạc là rất mất thời gian.

5-2-3 Một việc tính cho tới khi được cất dọn hết
Các bạn hãy nghĩ 1 việc là phải “đến lúc đã cất dọn xong”. Ví dụ, việc “Giặt quần áo” thì không phải chỉ có mỗi việc cho quần áo vào máy giặt, phơi lên thôi. Mà phải tính tới khi rút vào, gập gọn, cho vào các ngăn tủ xong xuôi, mới tính là 1 việc. Nếu nghĩ “Để sau cũng được” sẽ bừa ra một khoảng diện tích trong nhà, vì vậy triệt để đến lúc cất dọn xong hết sẽ nhẹ nhàng hơn. Làm bếp xong, lau luôn bếp gas là tiện và dễ sạch nhất. Nồi niêu nấu xong cũng rửa ngay lúc còn nóng, nhiệt còn sót lại đó đủ làm nước rửa ấm lên, dễ rửa sạch, đỡ tốn nước, đỡ tốn xà phòng rửa bát.

5-2-4 Lý do để không thu dọn, lại chính là động cơ để thu dọn
Tôi cũng nghe nhiều người nói “Nhưng mà chỗ đó cũng khó gọn gàng lắm cơ”. Chúng ta cũng nghĩ, xem tại sao không thể gọn gàng được.
Gọn gàng được cũng cần sự hợp tác của tất cả các thành viên trong gia đình, nhưng nguyên nhân khó gọn có lẽ là vì lúc nào chỗ đó cũng bừa bộn.
Có một dạo, ở nhà tôi, báo cứ bừa bộn trong phòng khách. Tôi thấy bí bách với cái bừa bộn đó. Và thử nghĩ xem tại sao nó không gọn gàng lại được. Lúc đó, thùng để báo cũ tôi để ở ngoài hành lang, dưới chân cầu thang, muốn cất báo đã đọc đi, phải ra khỏi phòng, mới cất được. Những hôm lạnh, đọc báo xong, mọi người trong nhà thấy ngại ngại phải ra tận nơi cất báo. Có lẽ thế. Tôi đã đổi chỗ cái thùng báo cũ, cho nó xuống gầm tủ trong buồng khách. Chỗ để cất ngay trong tầm tay, mọi người trong nhà đều dễ cất dọn, và phòng khách cũng đỡ bừa bộn báo từ đó.

5-3 Thu xếp các buồng phòng
5-3-1 Phòng living
- Tôi không đặt bàn sưởi và sofa trong phòng (living-room là phòng mọi người trong nhà hay quây quần sinh hoạt, hơi khác với phòng khách chỉ để riêng việc tiếp khách). Khéo léo để nhà cửa không lanh tanh bành lên, cũng là một việc quan trọng. Tôi đã bỏ bàn sưởi và sofa ra khỏi phòng living. Đây là kinh nghiệm từ thực tế của tôi. Trước đây, mùa đông đến, tôi lắp bàn sưởi giữa phòng, cả nhà quây quần ngồi sưởi ấm quanh bàn. Nhưng một khi đã ngồi vào bàn sưởi, thì không muốn đứng lên đi đâu làm gì nữa. Hơn nữa, việc dọn dẹp bàn sưởi cũng rất vất vả. Bàn thì ấm, thích ngồi làm việc giấy tờ gia đình ở đó luôn, nên xung quanh bàn bầy bừa các đồ dùng dụng cụ liên quan. Bừa lắm! Vì thế, tôi đã dứt khoát vứt bàn sưởi ra khỏi phòng. Thay vào đó, tôi nghĩ cách làm ấm các phòng khác trong nhà lên, thay vì mọi người co cụm ngồi quanh mỗi cái bàn sưởi đã có thể hoạt động dễ dàng hơn.
Sofa tôi cũng đã từng đặt trong phòng living rồi đấy. nhưng ở sofa, người ngồi đấy thì ít, mà nó dễ biến thành cái chỗ để đồ, rất tiện tay quẳng ở sofa. Vì thế tôi chuyển sofa sang phòng tiếp khách. Phòng living tôi chỉ kê đủ số ghế dễ ngồi cho đủ số người trong nhà. Từ đó phòng đỡ bừa hơn.

5-3-2 Phòng của con
- Dù không có phòng riêng cho con, hay khi cho các con chung 1 phòng, cũng nên kê bàn, tủ quần áo, giá sách, hộp đựng đồ chơi vào 1 chỗ cho con. Tủ đựng quần áo để chỗ dễ lấy ra cất vào, đựng quần áo đúng theo mùa thời tiết. Trên mặt bàn học thì không để nhiều đồ vật. Đồ đạc của con thì giao trách nhiệm dọn dẹp cho con. Bố mẹ không được tự ý phân loại đồ đạc cất dọn, mà phải xem xem để như thế nào thì con dễ dùng, phải bàn bạc với con về chỗ cất. Không cưỡng ép con phải dọn dẹp, mà bố mẹ cũng để ý đến việc dọn dẹp, nhắc nhở con “Mẹ thấy tình trạng này có khi phải dọn dẹp đi rồi đấy con ạ!”. Nói như vậy, con cũng hiểu việc dọn dẹp tự nhiên hơn.

5-3-3 Cách xử lý với đồ chơi của con
- Đồ chơi là đồ vật rất quan trọng với sự trưởng thành của các con. Bố mẹ hãy thử đứng vào địa vị của các con xem. Chắc chắn sẽ hiểu nên phải làm như thế nào. Ở nhà tôi, đồ chơi không nhiều lắm, nhưng xếp hình gỗ, thú nhồi bông, bút màu giấy vẽ, giấy gấp, đất nặn, đồ hàng, búp bê, ô tô, thế thôi cũng đếm ra một số lượng không nhỏ. Tôi giao hẹn với các con là “Chơi xong là dọn”. Chơi xong 1 món, cất đi, rồi mới lấy món khác. Để dọn dẹp, cần có 1 cái kệ/ giá. Tôi dùng loại giá sách thấp, không có cánh cửa để các con cho đồ chơi vào. Như vậy con nhớ chỗ để đồ chơi.
Trong bất kì trường hợp nào, không được vứt đồ chơi mà không có sự đồng ý của con. Dù cái phòng con có được dọn gọn gàng ngăn nắp đến mấy, mà khi dọn bố mẹ đã làm ngơ thái độ/ cảm xúc của các con, thì căn phong đó là nơi thật đáng buồn, vì không có tình thương.

5-3-4 Phòng ngủ
- Phòng ngủ kê giường hay trải đệm xuống sàn thì tôi cũng muốn làm cho nó gọn gàng ngăn nắp. Đồ đạc kê trong phòng ngủ chỉ là giường, tủ quần áo, đèn ngủ, đồng hồ, thế thôi. Dù có còn chỗ trong phòng thì ta cũng không nên để thêm đồ đạc lặt vặt khác.

5-3-5 Toilet
- Là nơi mà tôi luôn muốn nó sạch sẽ vệ sinh. Tôi không đặt để nhiều đồ đạc trong phòng vệ sinh. Ít đồ sẵn rồi thì lau dọn cũng đơn giản. Cái công phu của tôi là ở chỗ khăn lau. Nếu treo sẵn 1 cái khăn thì cả nhà lúc nào cũng chỉ dùng cái khăn đó, không vệ sinh. Hoặc là, khi có khách, để khách lau chung khăn với cả nhà cũng là không vệ sinh, nên tôi muốn để một cái khăn khác cho khách nữa. Vì thế tôi chuẩn bị cả chục cái khăn, cỡ khăn nhỏ hơn cái khăn mặt, dày hơn một chút, gập đôi để ngay gần chỗ rửa tay trong buồng vệ sinh. Dưới đó tôi đặt sẵn cái giỏ để lau 1 lần rồi thả khăn vào giỏ để tôi giặt. (ái dà dà, cái chỗ này đáng cho mình học đây)

5-3-6 Buồng tắm
- Buồng tắm cũng như buồng vệ sinh, là không để đồ đạc thừa ở đó. Trong buồng tắm, tôi chỉ để dầu gội đầu, dầu xả, xà phòng tắm, khăn kỳ lưng, thế thôi.

5-3-7 Cửa cởi giầy
- Thường chất đầy chặt các ngăn để giầy, nên khi lấy ra rất khó. Giầy đi cũng theo mùa, vì vậy đôi nào lạc mùa thì cất dọn vào một chỗ khác. Và để hộp dụng cụ đánh giầy ở chỗ dễ lấy. Nếu ở cửa cởi giầy còn khoảng không gian, thì bày những đồ vật mình thích. Cửa cởi giầy này là nơi đầu tiên khách tới thăm nhìn vào căn nhà của bạn. Ở nhà tôi thì tôi bày một cây cảnh. Trên đó là bức ảnh hoa.

5-4 Để bếp luôn sạch đẹp
5-4-1 Bếp nhà tôi rất đỗi bình thường
- Có rất nhiều bạn nói với tôi “Bếp nhà bà thì như thế nào ạ?” “Cho cháu xem bếp nhà bà nhé”. Các bạn trẻ trong nhóm nghiên cứu gia đình của hội “Hội bạn bè” còn bảo “Lúc nào cũng được, bà cho bọn cháu xem bếp nhà bà nhé”, rồi có khi từng tốp 15 người đến nhà tôi quan sát từng ngóc ngách trong nhà nữa. Bếp nhà tôi rất đỗi bình thường, không có thiết kế đặc biệt nào. Từ khi xây tới nay cũng hơn 30 năm rồi. Lúc đó làm gì đã có hệ thống bếp- tủ bếp- kệ bếp đi liền như bây giờ. Bếp gas riêng, bồn rửa riêng, bàn sơ chế riêng rời, bình thường như bao nhiêu gian bếp của những nhà khác. Giữa phòng ăn có đặt một cái bàn ăn, vây quanh nó là bếp gas, bồn rửa bát. Có cảm giác như là có 1 cái bàn ăn đặt giữa bếp, chứ không được như hệ thống open-kitchen- bếp mở bây giờ đâu ạ. Ban đầu, lúc thiết kế, tôi còn nghĩ là từ bàn ăn có thể nhìn thấu rõ khu chế biến, nhưng gia đình chú trọng vào “việc ăn uống” chúng tôi lại thấy như vậy là cân bằng. Hơn nữa, từ phòng ăn dining-room nhìn rõ bếp thì phải khéo dọn dẹp, dễ nhờ người khác trong gia đình giúp đỡ mình, nên tôi vẫn để vậy không sửa lại bếp từ hồi ấy đến giờ. Điều quan trâm nhất khi tôi thiết kế bếp là, để đi lại trong bếp là ngắn nhất, vì vậy mà dưới bếp gas tôi đặt một lò nướng rất to, và tủ lạnh cũng đặt gần đó.

5-4-2 Qui định chỗ để đồ vật có tần suất sử dụng cao
- Dưới bàn sơ chế có 3 ngăn kéo, tôi để đũa nấu, dao nạo vỏ, cốc đong dung tích, thìa đong và một số dụng cụ làm bếp khác. Giữa các đồ vật này, tôi để 1 khoảng trống ngăn cách giữa chúng, cố định vị trí để chúng. Khi qui định chỗ để cho cả những vật nhỏ như vậy, dùng xong là tôi trả chúng về đúng vị trí lúc trước. Vì thế nên tôi không phải bới tìm chỗ này chỗ khác trong bếp mỗi khi cần dùng dụng cụ để làm.
Mặt khác, tôi hạn chế số lượng ở mức thấp nhất cho mỗi loại dụng cụ. Đồ đạc ít cũng được. Như thế rửa, hay cất dọn đều đỡ tốn công sức. Ví dụ, muôi xới cơm chỉ dùng 1 cái hàng ngày. Rửa xong là lau khô ngay, để vào chỗ cố định. Không hề tốn công sức. Nếu như dùng tới 2,3 cái muôi xới cơm, có cái rửa rồi đang ướt trong rổ, có cái để trong nồi cơm, có cái đang để trong ngăn kéo... tức là chúng bị để tá hỏa khắp nơi, đến lúc cần dùng lại mất công đi tìm.
Rồi tới đũa, thìa, dao thái, phới đánh trứng, đũa nấu, kéo thực phẩm, thìa dập tỏi, hộp nhựa đựng thức ăn... đó là những thứ hết sức bình thường hay dùng tới.

5-4-3 Nồi niêu xoong chảo - Dụng cụ làm bếp
Sau đây là dụng cụ làm bếp của tôi
Nồi có cán- To nhỏ (đường kính 15cm và 18cm) rất hay dùng (đã có, công nhận là hay dùng lắm lắm)
Nồi đun sữa- 1 cái, thường xuyên treo ở tường bếp
Rổ- To nhỏ (1 cái to 1 cái nhỏ)
Nồi đế bằng, thành dày- To nhỏ (đường kính 22cm và 24cm rất hay dùng)
Vỉ nướng cá (Có sẵn trong hệ thống bếp gas)
Chảo rán- 2 cái
Chảo đáy võng kiểu Tàu- 1 cái
Nồi đất- 1 cái
Ấm đun nước- 1 cái (Có đấy, nhưng ko dùng, vì đang dùng phích điện rồi, kể ra dùng phích điện là tốn điện hơn đấy, nhưng dùng ấm đun thì đúng là ngại quá)
Máy xay thịt- 1 cái (đã có, 10 năm vẫn dùng tốt, cái cối thủy tinh nặng trịch)
Máy xay sinh tố- 1 cái
Lò vi sóng (đã có)
Lò nướng (đã có)
Máy xay sinh tố cầm tay
Nồi áp suất (Đã có, đường kính 24cm)
Trên đây là những dụng cụ làm bếp hàng ngày tôi dùng. Bây giờ nhà tôi còn có 2 ông bà già, nhưng những dụng cụ làm bếp này tôi đã dùng từ khi nhà có đủ 4 người. Hiện nay có nhiều loại dụng cụ làm bếp mới ra đời, tiện lợi hơn nhiều, dùng nhiều nồi niêu sẽ mất nhiều công bảo quản cất dọn. Các bạn hãy giảm tối thiểu số lượng dụng cụ làm bếp đi, dùng xong rửa, lau, cất... cứ lặp đi lặp lại chu kỳ như vậy, bếp sẽ gọn gàng hơn.
Nhưng đấy là tôi. Tôi nghĩ là bát đĩa của tôi cũng hơi nhiều. Mỗi khi đi thăm một nhà nghệ nhân gốm sứ, tôi hay mua sưu tầm một vài cái làm kỉ niệm về lòng tâm huyết với nghề của các nghệ nhân.

5-4-4 Khuyên dùng nồi áp suất, máy xay thịt
- Đặc trưng nổi bật trong số dụng cụ làm bếp của tôi là nồi áp suất, máy thái mì ống, và máy xay thịt.
Máy xay thịt nghe tên đã biết công dụng, là để xay thịt. Thịt mua về xay nhỏ bằng máy này đã đành, còn có thể xay đậu làm tương, xay cá mực làm chả cá mực.
Nhưng nồi áp suất mới là dụng cụ trợ thủ đắc lực cho tôi. Tôi đi chợ cho 1 tuần, và nồi áp suất phát huy hết tác dụng hầu như trong các món tôi nấu sẵn. Có người ngại nồi áp suất khó dùng, nguy hiểm. Nhưng với thời gian ngắn, lại ko xả mùi thức ăn vào không khí, dễ ngấm gia vị vào thực phẩm, thì tôi lại thấy rất nên dùng. Tôi có 2 cái nồi áp suất của Ý (một cái 5l một cái 7lit). Tôi có thể dùng nồi áp suất để làm 1 lúc 18 cốc kem ca-ra-men. Hoặc luộc mì ống chỉ mất 4 phút, ngoài ra lại còn nấu mứt được nữa.


(Nguồn: webtretho - bản dịch của balasat)

0 comments:

Post a Comment